Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (15/12/2016)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Theo đó, mỗi người cần phấn đấu làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, trở thành nguồn lực vô giá xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp năm 1957 - Ảnh: TL
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", bên cạnh những kết quả bước đầu quan trọng thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vẫn còn có những hạn chế. Mà hạn chế lớn nhất Bộ Chính trị đã chỉ ra là chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Trước tình hình đó, ngày 15/5/2016, đúng dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với những yêu cầu đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh lên một tầm mức mới với nội dung hết sức cụ thể gắn với công việc hằng ngày tại cơ quan, đơn vị, qua đó, phải có chuyển biến mạnh mẽ trong hành động và từng việc làm cụ thể.
Điểm mới của Chỉ thị 05 là công tác xây dựng Đảng “nằm trong” việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là nội dung quan trọng, bắt buộc, song hành cùng công tác xây dựng Đảng. Điều đó có nghĩa là việc học tập và làm theo gương Bác phải góp phần trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó, mỗi người sẽ là những “viên gạch hồng” góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Một điểm nhấn nữa của Chỉ thị 05 là thể hiện yêu cầu giáo dục, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải được tiến hành trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Nhưng trước hết là đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải là người đi đầu với trách nhiệm nêu gương để xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chỉ thị nêu rõ: Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm “trên trước, dưới sau”. Điều này có nghĩa là thay vì những lời nói hô hào chung chung về học tập đạo đức, lối sống, phong cách Hồ Chí Minh thì việc thực hiện sẽ được tiến hành “nói đi đôi với làm”.
Trong thực tế, cán bộ cao cấp và lãnh đạo, quản lý mà là những tấm gương sáng thì chắc chắn họ sẽ có tác dụng quyết định hiệu quả thực hiện Chỉ thị. Bởi khi cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu, trực tiếp là bí thư cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tự mình gương mẫu học trước, làm trước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm thì chắc chắn không còn cách nào khác, cấp dưới tự ắt phải làm theo và việc thực hiện Chỉ thị chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tốt.
Có thể nói, so với các Chỉ thị trước đây của Trung ương về học tập và làm theo Bác, Chỉ thị 05-CT/TW có nội dung rộng hơn, phong phú hơn, rõ ràng hơn và yêu cầu cũng cao hơn. Nhưng bao trùm của Chỉ thị 05 là: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ. Không lý thuyết, không nói suông, không chung chung, hình thức. Phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương của Bác với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và với mỗi một cán bộ, đảng viên. Việc không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành với kết quả không cao cũng được xem là chưa nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương của Bác. Và trong việc thực hiện cần phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam… Đạo đức Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư…, là tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi của đất nước, của dân tộc, của Đảng lên trên hết. Phong cách Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, sáng tạo, làm việc khoa học, dân chủ, là ứng xử có văn hóa, đầy tính nhân văn, nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả; là giản dị, gần gũi với quần chúng…
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 04 ( khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm, góp phần làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí.
Các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp… gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm của từng địa phương, đơn vị.
Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vấn đề nêu gương của cán bộ lãnh đạo, nhất là của người đứng đầu hết sức quan trọng. Nghiêm túc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, trong đó nêu rất rõ các nội dung cần nêu gương và yêu cầu cụ thể hóa thành các quy định để thực hiện, kiểm tra, đánh giá để nhân dân giám sát. Việc nêu gương về đạo đức không chỉ là vận động, mà phải trở thành những quy định ràng buộc trách nhiệm để cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện.
Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức phải theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo cán bộ, đảng viên , mọi người dân tự giác để ra chỉ tiêu, kế hoạch phấn đấu thực hiện, phù hợp với nhiệm vụ, chức trách của mỗi người.
Xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa công sở trong các tổ chức Đảng, cơ quan, trường học, địa phương để rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao, có tác phong làm việc khoa học, sát thực tế, gần dân, có tinh thần học tập nâng cao trình độ mọi mặt, cập nhật kiến thức góp phần hoàn thành nhiệm vụ.
Đưa nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đội ngũ những người làm văn học, nghệ thuật, nhà báo sáng tác nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; động viên, cổ vũ, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát từ trên xuống và từ dưới lên nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, kịp thời uốn nắn những khuyết điểm, yếu kém, cổ vũ, động viên, biểu dương những tập thể, cá nhân tiên tiến, có cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng. Đưa việc thực hiện Quy định về công tác kiểm tra đối với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên vào nền nếp và đạt hiệu quả cao nhất. Thực hiện thường xuyên cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo dức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, phân loại đảng viên, tổ chức Đảng hàng năm. Xây dựng, tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Do đó, Trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu việc chỉ đạo tổ chức học tập phải xuống cơ sở, đến từng đảng viên, và trong quá trình tổ chức học tập và gắn học tập với công việc thực tế. Tuy nhiên, trong cuộc đời của Bác, mỗi lời nói, hành động dù rất khiêm tốn, giản dị nhưng bao giờ cũng hàm ẩn những tư tưởng vĩ đại và những bài học đạo đức nhân văn. Do vậy, bất cứ ai soi mình vào tấm gương của Bác cũng đều tìm thấy cho bản thân những điều có thể học tập và làm theo./.
Đoàn Công Trang (Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Bình Dương)