Cùng xoa dịu nỗi đau da cam (15/12/2016)
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng rất nhiều loại chất độc hóa học nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng, hủy hoại môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành trên 19. 900 phi vụ phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học trên khoảng 25% diện tích miền nam Việt Nam. Trong đó Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 56% diện tích tự nhiên bị phun rải. Ba loại chất độc hoá học chủ yếu đã được quân đội Mỹ dùng ở Việt Nam là: Chất độc màu da cam, chất trắng dùng để phá huỷ rừng, chất xanh dùng để phá hoại mùa màng. Chất độc màu da cam có chứa dioxin, là một chất độc cực mạnh, rất bền vững và khó phân huỷ trong môi trường.
Theo các nhà khoa học, diôxin là loại hóa chất độc hại nhất mà loài người đã tổng hợp được. Vì vậy sức tàn phá về môi trường của nó là không thể tưởng tượng. Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; đã có trên 20 triệu ha đất rừng và đất nông nghiệp bị phá hủy. Không chỉ thế, chúng còn làm cho đất và nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Vết thương do chất độc da cam không chỉ hủy hoại môi trường mà còn tác động mạnh mẽ và lâu dài đến sức khỏe con người. Chất độc da cam/điôxin đã gây ra hậu quả y sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em các cựu chiến binh. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học cũng có biểu hiện bệnh lý.
Tính đến nay, chất độc da cam/điôxin đã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống trên 4,8 triệu người Việt Nam, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây ra không biết bao nhiêu thảm cảnh bi thương cho cả 03 thế hệ. Còn tại Bình Dương, có khoảng 5.200 người bị nhiễm chất độc da cam /dioxin. Các loại bệnh phổ biến là bại liệt, ung thư, tâm thần, bệnh ngoài da, suy giảm miễn dịch… Các vùng đất bị nhiễm chất độc nặng nhất trải dài từ Bắc Trung Bộ đến Đông Nam bộ bao gồm các tỉnh các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…
Không chỉ gây ra những bệnh tật hiểm nghèo, mà phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam vẫn còn đang sống trong khổ đau, mất mát và vô vọng. Nỗi đau ấy không gì bù đắp nổi. Có lẽ họ là nững người nghèo nhất trong những người nghèo và là người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Ông Phạm Ngọc Thái - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh - thăm hỏi gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam
Từ năm 2001 đến nay, hơn 30 đề tài khoa học cấp nhà nước trong chương trình Quốc Gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đã được triển khai. Công tác phục hồi nhiều vùng đất suy thoái, các hệ sinh thái và các loài động vật hoang dã đã được đẩy mạnh. Gần đây hơn 282 ngàn ha rừng mới đã được trồng trên các vùng đất bị phun rải chất độc hóa học. Các dự án phục hồi rừng đã đạt được nhiều kết quả khả quan tại Đaklak, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Phước và Bình Dương. Bên cạnh đó vấn đề quan tâm chăm sóc, giúp đỡ những nạn nhân da cam/dioxin cũng đã được quan tâm sâu sắc.
Có thể nói khắc phục hậu quả chất độc da cam là vấn đề lương tâm và trách nhiệm của toàn xã hội, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Hãy cùng góp phần xoa dịu nỗi đau da cam - nỗi đau của đồng bào Việt Nam. Đây là tiếng gọi của lương tri mà mỗi người Việt Nam chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.
Huỳnh Thanh – Trần Nam