Hệ thống tưới nhỏ giọt - khả năng ứng dụng cho vùng đất nhiễm mặn (04/04/2017)
Mặn làm cho cây trồng bị ngộ độc, không hấp thụ được dưỡng chất. Do đó sau một thời gian bị mặn cây trồng thể hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng, dễ thấy nhất là lá bị mất diệp lục tố, vàng đi rồi chết; sự sinh trưởng của cây bị đình trệ (triệu chứng này không xảy ra tức thì, thường thì sau vài tuần bị mặn). Nếu độ mặn cao, cây trồng thể hiện triệu chứng ngộ độc trước khi thể hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp chống mặn phục vụ sản xuất của nông nghiệp hiện nay như: Nhóm giải pháp về giống cây trồng kháng mặn; nhóm giải pháp về kỹ thuật canh tác; nhóm giải pháp thủy lợi; giải pháp công trình dành cho vùng đất bị ảnh hưởng nhiễm mặn; giải pháp sử dụng phân bón và các chế phẩm cho vùng nhiễm mặn. Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, thì mô hình tưới nhỏ giọt là giải pháp khả thi nhất trong điều kiện hiện nay.
Tưới nhỏ giọt là hệ thống tưới cung cấp nước với áp suất thấp và từ từ cho cây trồng nhờ một mạng lưới đường ống phân phối nước được đặt áp mặt đất và theo hướng cây trồng. Trên đường ống phân phối có các điểm đầu nhỏ giọt được dán trực tiếp vào trong ống hoặc gắn thông qua các đầu kết nối với khoảng cách khác nhau tùy thuộc cây trồng và loại đất. Khi hệ thống hoạt động nó cung cấp một lưu lượng cho mỗi đầu nhỏ giọt.
Hệ thống tưới nhỏ giọt có khả năng ứng dụng cho vùng đất nhiễm mặn và nước bị xâm nhập mặn: Bộ rễ phát triển tập trung giúp cho thể tích (khối lượng) đất cần xử lý nhỏ, việc đảm bảo duy trì ẩm độ phù hợp và kiểm soát độ mặn của đất được thực hiện dễ dàng. Hệ thống tưới có công suất nhỏ và có thể vận hành tưới toàn bộ vườn trong một thời điểm, giúp cho chúng ta có thể chờ lúc nước lớn, độ mặn trong nước không đáng kể để bơm tưới cho cây, và tưới với một lượng nhỏ nhưng duy trì tưới hàng ngày. Sử dụng các phân bón có tính acid qua hệ thống tưới để kiểm soát pH đất. Sử dụng các phân bón hữu cơ chuyên dụng qua hệ thống tưới để tăng sức khỏe bộ rễ giúp chống chọi tốt hơn với đất nhiễm mặn. Lên líp để tạo điều kiện tốt cho rửa mặn tự nhiên trong mùa mưa.
Tại Ninh Thuận, Đất canh tác gọi theo người địa phương là loại đất mặn Cà dan, pH gần 10 do bị nhiễm kiềm Natri, không trồng cây được. Tuy nhiên, Sử dụng tưới nhỏ giọt kết hợp tưới phân và acid phosphoric thay cho lân, thực hiện thường xuyên để điều chỉnh cục bộ pH đất đạt yêu cầu chỉ trong vùng rễ tích cực của cây chạy dọc theo ống nhỏ giọt, trồng Nho thành công và có năng suất rất cao. Tưới nhỏ giọt cũng đã làm thay đổi vùng sa mạc Arava - Israel, kết hợp với chương trình dinh dưỡng phù hợp để kiểm soát độ mặn của vùng rễ cây, tạo ra hàng nghìn hecta sản xuất nông nghiệp tập trung, đóng góp hơn 50% sản lượng rau quả xuất khẩu của Israel.
Châu Nam (Tổng hợp từ Internet)