Ngộ độc thực phẩm: Mối quan tâm của cộng đồng (06/06/2017)
An toàn thực phẩm có tầm quan trọng quan trọng đặc biệt không chỉ với mỗi cá nhân, cộng đồng, sự phát triển giống nòi mà liên quan đến sự phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, an ninh, chính trị của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, từ năm 2006 - 2016, cả nước xảy ra 1.948 vụ ngộ độc thực phẩm với 463.470 người mắc và 423 trường hợp tử vong. Tại tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn này có 45 vụ ngộ độc thực phẩm (chiếm 2,3% số vụ cả nước, giảm 0,8% so với giai đoạn 2000 - 2005) với 2.148 người mắc và 02 trường hợp tử vong. Nguyên nhân xảy ra chủ yếu do thực phẩm ô nhiễm, thực phẩm có độc, điều kiện sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo, nhận thức - hành vi đúng về phòng chống ngộ độc thực phẩm của cộng đồng còn nhiều hạn chế. Các triệu chứng điển hình thường gặp của các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh: Độc tố tự nhiên (đỏ da, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt); vi sinh vật (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy); hóa chất (buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt); không rõ nguyên nhân (buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu). Các vụ xảy ra chủ yếu trên địa bàn tỉnh là do độc tố tự nhiên và vi sinh vật. Thường xảy ra nhiều vào tháng 4, tháng 5 và đỉnh điểm là tháng 6.
Và mới đây Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa có trong khuôn viên tại các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa này được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải, như: Cây lá ngón (Gelsemium elegans), cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc; cây Trúc đào (Nerium oleander L.), cây Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.), cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.), Bông tai (Asclepias curassavica L.)… có chứa Glycosid tim; cây thầu dầu (Ricinus communis L.), cây Ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa Protein độc (Toxalbumin).
Chính vì vậy, để chủ động dự phòng ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho mọi người, cần tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, chú trọng đến các cơ sở nguyên nhân là bếp ăn tập thể, đặc biệt là các địa bàn có nhiều khu cụm công nghiệp hoặc mới phát triển công nghiệp.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống.
Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.
Nguyễn Nhi