Mô hình ba nhà: Chìa khóa cho sự đổi mới và phát triển (08/06/2017)
Mô hình Ba Nhà với cấu trúc “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” là chìa khóa cho sự đổi mới và phát triển trong nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức. Nhà trường, nhà nước, doanh nghiệp mặc dù vẫn có những vai trò và đặc tính riêng nhưng đều có sự tương tác "cộng gộp" trong mối liên kết Ba Nhà. Với cấu trúc mới để thúc đẩy sự đổi mới, nhà trường sẽ đóng vai trò dẫn đường.
Các trường đại học là nơi cung cấp công nghệ, nguồn nhân lực, kiến thức và định hướng doanh nghiệp tìm kiếm các tiềm năng công nghệ của họ và biến chúng thành các sản phẩm thương mại. Ngoài ra, nhà trường còn cung cấp những ý tưởng mới cho các doanh nghiệp hiện có, các trường còn sử dụng khả năng nghiên cứu và giảng dạy của họ trong các lĩnh vực tiên tiến của khoa học và công nghệ để tạo thành các doanh nghiệp mới.
Sự biến đổi của trường học từ vai trò thứ cấp sang vai trò chính yếu giúp cho ngành công nghiệp tri thức trong xã hội hiện đại không còn là vấn đề thứ yếu thực hiện bởi một tầng lớp trí thức, mà nó trở thành một doanh nghiệp khổng lồ ngang hàng với ngành công nghiệp nặng. Trước đây, kết quả của nghiên cứu khoa học chủ yếu thể hiện trong các bài báo và các ấn phẩm nhưng ngày nay, các nghiên cứu trở nên gần gũi hơn, liên quan đến mọi nền kinh tế địa phương. Nó dẫn đường chính phủ, ở các cấp độ khác nhau, cũng như bản thân các trường đại học và các công ty kinh doanh, để tìm ra cách cho việc sản xuất tri thức, thực hiện một đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế và cho xã hội.
Sự hình thành của các doanh nghiệp đang ngày càng trở thành trung tâm của chiến lược đổi mới. Khi các công ty công nghiệp thu hẹp quy mô, công ty dựa trên tri thức từ một nhóm nghiên cứu khoa học trở thành nguồn lực mới để tăng trưởng kinh tế. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp lấy đổi mới làm trọng tâm. Đổi mới được mở rộng từ việc tập trung vào cải tiến sản phẩm trong các doanh nghiệp đến việc thay đổi của doanh nghiệp trong bộ Ba Nhà. Hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và trường học có thể mở rộng sự đổi mới từ quy mô tầm khu vực đến hệ thống đổi mới quốc gia và thậm chí rộng hơn. Bên cạnh việc nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đổi mới trong các công ty lớn vẫn là quan trọng, vai trò của tiến trình khởi nghiệp đã trở nên quan trọng hơn với công nghệ tiên tiến, tạo việc làm và sự tăng trưởng.
Sự phát triển công nghiệp mới dựa trên việc tạo ra các cơ chế tổ chức chủ yếu là trên cơ sở mối quan hệ Ba Nhà nhằm chuyển đổi từ các nghiên cứu chuyên sâu thành các hoạt động kinh tế. Để góp phần đổi mới sáng tạo, Nhà nước sẽ đóng vai trò quản lý một phần các tác nhân đến từ Ba Nhà nhằm giảm bớt gánh nặng của chính phủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự phát triển công nghiệp như trước đây. Mô hình đổi mới Ba Nhà đang nổi lên một cách rộng rãi trong các xã hội khác nhau. Nhà nước có thể đảm nhận một vai trò nhiều hơn hoặc ít hơn trong phát triển kinh tế dựa trên tri thức và tất cả đều nhắm đến một mục tiêu cốt lõi: làm thế nào dựa trên nguồn lực hiện có để tạo ra các cụm đổi mới công nghệ và đảm bảo sự phân công lao động cho các lĩnh vực trong nền kinh tế toàn cầu.
Ánh Nguyệt