Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương: Đồng hành cùng các hội viên trong quảng bá thương hiệu và phát triển nghề bền vững (28/11/2022)
Trước bối cảnh kinh tế tỉnh Bình Dương đang trên đà phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn Bình Dương phấn đấu trở thành một thành phố văn minh hiện đại, xanh sạch đẹp, là nơi đáng sống vừa phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo các vấn đề văn hóa, an sinh xã hội…
Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương (Hiệp hội), một tổ chức xã hội nghề nghiệp với hơn 70 hội viên tập hợp từ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đinh sản xuất kinh doanh sơn mài - điêu khắc trong tỉnh, phần lớn tập trung tại phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một. Riêng khu vực phường Tương Bình Hiệp vẫn còn gần 330 hộ (sản xuất lớn và gia công) với trên 800 lao động tham gia hoạt động sản xuất sơn mài. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã từng là biểu tượng của văn hóa nghề thủ công, là cái nôi sơn mài truyền thống đậm nét văn hóa theo phương thức nghề cha truyền con nối bởi nhiều gia đình có đến 4,5 đời lao động nghề.
Trong những năm qua, Hiệp hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành, thực hiện đường lới, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển và bảo tồn ngành nghề truyền thống của địa phương. Xác định việc hỗ trợ hội viên cùng nhau tìm hiểu và phát triển nghề bền vững là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, BCH Hiệp hội đã tập trung nghiên cứu chính sách, đề xuất với lãnh đạo địa phương cùng với các sở, ban, ngành trong tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong nhiều lĩnh vực nhằm phát triển nghề như: Hỗ trợ kinh phí tham gia chương trình hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Đầu tư máy móc thiết bị, hướng dẫn giới thiệu tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới đưa vào sản xuất đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm phát triển kinh doanh sản xuất được quan tâm chú trọng, Hiệp hội đã phối hợp và tham mưu UBND tỉnh Bình Dương cùng các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho ngành sơn mài, điêu khắc duy trì bảo tồn nghề truyền thống tại địa phương, cụ thể, hàng năm cử hội viên tham gia nhiều chương trình hội thảo, hội chợ triển lãm tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh do Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp, Sở nông nghiệp, Chi cục phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Từ đó, các doanh nghiệp, cơ sở đã kịp thời nắm bắt các thông tin về thị trường, chính sách mới của Chính phủ, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ. Nhờ những thuận lợi trên, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở phần lớn đều đã giữ vững được kế hoạch kinh doanh sản xuất ổn định trong những năm qua.
Nhiều chương trình Xúc tiến thương mại, Hội chợ triển lãm, Hội thảo, tập huấn chuyên đề của Sở Công thương, Sở Khoa học và công nghệ, Liên Hiệp các Hội KH&KT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương tổ chức đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức về quản lý, sản xuất kinh doanh, kỹ năng tìm kiếm thị trường… thông qua một số sự kiện cụ thể như: triển lãm “Sơn mài Bình Dương dấu ấn trăm năm” vào tháng 1/2019; Lễ công bố “Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch” thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một vào tháng 8/2020; 06 doanh nghiệp tham gia triển lãm thành tựu phát triển kinh tế xã hội - an ninh - quốc phòng nhiệm kỳ 2015-2020 của thành phố Thủ Dầu Một và tỉnh Bình Dương. Song song đó, Hiệp hội còn phối hợp cùng Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp, Sở Công thương tổ chức cho một số doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tham gia một số hội chợ nước ngoài ở Nhật Bản, Singapore…
Ngoài việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, Hiệp hội vẫn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học góp phần ứng dụng phát triển nghề truyền thống của tỉnh, nhiều thành viên cũng đã tham gia một số đề tài nhân dịp hội thảo khoa học “120 năm trường Mỹ Thuật Bản xứ Thủ Dầu Một” do Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Trường Trung học Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Việt Nam với 1 số đề tài như: Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương - Ths. Nguyễn Văn Quý; Thực trạng sản xuất kinh doanh - giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp - Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh và Ths. Huỳnh Đức Hiếu. Bên cạnh đó, ông Trương Hoàn Nguyên đại diện Công ty TNHH MTV Sơn Mài Định Hòa, ông Lê Bá Linh đại điện Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ Nghệ Tư Bốn cũng đang phối hợp với PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên chủ tịch hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một làm chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn và phát huy 3 nghề truyền thống Mộc gia dụng, điêu khắc gỗ và sơn mài tại tỉnh Bình Dương” …
Ghi nhận những đóng góp mà Hiệp hội đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Bộ Công thương đã trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ngành công thương Việt Nam đối với ông Lê Bá Linh - Phó chủ tịch Hiệp hội và bà Lê Mộng Thắm - Ủy viên BCH của Hiệp hội. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh… cũng đã tặng bằng khen, giấy khen cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã tích cực và có thành tích xuất sắc trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Trong thời gian tới, Hiệp hội vẫn giữ quan điểm là tiếp tục làm cầu nối giúp đỡ hội viên phát huy sáng tạo, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh vì lợi ích chung của từng hội viên và của toàn xã hội. Tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Không ngừng hoàn thiện và xây dựng tổ chức Hiệp hội ngày càng vững mạnh, liên kết với các sở, ban, ngành, địa phương cùng các Hội khác tổ chức giao lưu học tập và đào tạo nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, thị hiếu thẩm mỹ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị phần xuất khẩu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Một số hình ảnh tại Đại hội Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương nhiệm kỳ 2022-2027
Ngọc Dung