Trước sự bùng nổ của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần tứ 4, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới được ra đời. Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với những thách thức xen lẫn cơ hội mới sau làn sóng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua.
Từ năm 2016 Bình Dương đã thực hiện đề án Thành phố Thông minh Bình Dương (Binh Duong Smart City), tỉnh luôn lấy chuyển đổi kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa làm trọng tâm. Trong năm 2024, tỉnh Bình Dương xác định tiếp tục phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, chuẩn bị để đón làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Với tầm nhìn đó, tỉnh cũng đã và đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển, hội nhập và hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Thành phố thông minh Bình Dương được đánh giá có nhiều bước tiến vượt về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây. Hiện tại, Bình Dương đang hội đủ các yếu tố để trở thành một “Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” của vùng Đông Nam Bộ như: hạ tầng giao thông; lực lượng lớn các tri thức, học giả, nhà khoa học đang sinh sống và làm việc trong tỉnh; số lượng các trường đại học và viện nghiên cứu trên địa bàn,…
Toàn cảnh Thành phố mới Bình Dương
Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của tỉnh dần được kết nối một cách rõ nét với các Trung tâm khoa học công nghệ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và các nhà khoa học, học giả, các đối tác, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện những chiến lược quan trọng để xây dựng và dần hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng nguồn lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi số, tiếp tục chiến lược phát triển thành phố thông minh, đáp ứng và bắt kịp làn sóng của cách mạng công nghiệp 4.0. Bình Dương phấn đấu là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển các ngành công - nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện khoa học công nghệ, trong đó có những sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế như: Hội thảo nông nghiệp công nghệ cao; Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thành lập “Vườm ươm khởi nghiệp sáng tạo”. Đặc biệt, Bình Dương vừa được vinh danh là Thành phố công nghiệp 4.0 của Việt Nam và lần thứ 2 lọt vào Top 7 chiến lược phát triển thành phố thông minh của ICF (Tổ chức ICF là diễn đàn gồm gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới). Tại Việt Nam, hiện những tỉnh có “Vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo” tiên phong trong phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là: Bình Dương, Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố khác đã và đang có những bước tiến xây dựng “Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” tại địa phương.
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu để tiến tới TP thông minh (Ảnh minh họa)
Tỉnh Bình Dương hiện đang thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm cân đối nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế số theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp - dịch vụ chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; giảm bớt các dự án ô nhiễm môi trường, các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng chất xám thấp. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đang tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng (dự án vành đai 3, vành đai 4, dự án mở rộng QL13,…), đô thị, dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh xanh, sạch, đẹp; đô thị văn minh và hiện đại... Thời gian tới, Bình Dương nên khuyến khích các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp sáng tạo trên cơ sở khai thác trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ, mô hình kinh doanh mới, bền vững và bảo vệ môi trường.
Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Dương