Bình Dương nâng cao Năng suất lao động dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 (21/03/2023)
Toàn cầu hóa và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng phát triển làm cho các quốc gia buộc phải hội nhập sâu rộng và xích lại gần hơn với phần còn lại của thế giới. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung trong tiến trình phát triển kinh tế, đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới. Năng suất lao động (NSLĐ) là chỉ tiêu có tầm quan trọng, cùng với hiệu quả đầu tư và các yếu tố năng suất tổng hợp khác tạo nên chất lượng tăng trưởng. Ở Châu Á, hiện Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia đã đạt nhiều thành công trong nâng cao chất lượng lao động và thiết lập vị thế cạnh tranh dựa trên NSLĐ.
Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" khi có 69% dân số trong độ tuổi lao động. Đây được xem là cơ hội và thời điểm thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực liên tục gia tăng năng suất lao động cả về giá trị và tốc độ, nhằm góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tính theo sức mua tương đương (purchasing power parity - PPP) năm 2017, NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều nước trong khu vực như Malaysia (1,3%/năm); Singapore (1,7%/năm); Thái Lan (2,2%/năm). Nhờ mức tăng nhanh trên, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Năm 2011, NSLĐ của Singapore gấp 12,4 lần NSLĐ của Việt Nam, NSLĐ của Malaysia gấp 4,3 lần…
Năng suất lao động của Việt Nam hiện còn thấp so với khu vực (Ảnh minh họa)
Theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia và bằng 56,9% của Philippines. So với các nước trong khu vực, NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (gấp 1,6 lần). Đến năm 2020, khoảng cách này giảm xuống, NSLĐ của Singapore gấp 8,8 lần NSLĐ của Việt Nam, NSLĐ của Malaysia gấp 3 lần.
Toàn tỉnh Bình Dương hiện có gần 1,2 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 80%. Người lao động tại Bình Dương phải là hình mẫu về nâng cao NSLĐ, tiếp thu công nghệ tiên tiến. Qua đó đóng góp ngày càng to lớn hơn cho sự phát triển của đơn vị, DN và sự phát triển chung của đất nước trong quá trình trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2030. Điều này cho thấy nền kinh tế nước ta sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước. Có thể thấy mặc dù NSLĐ Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Những nguyên nhân chủ yếu sau làm cho NSLĐ của nước ta còn tương đối thấp là do: quy mô nền kinh tế còn nhỏ; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ chưa tiên tiến; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế.
Tỉnh Bình Dương mới đây đã ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao NSLĐ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của Kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của KHCN, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tăng NSLĐ là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đang hướng đến để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và tiến lên một nước công nghiệp hiện đại. Một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đó là nâng cao NSLĐ. Để cải thiện, nâng cao NSLĐ cần nhiều giải pháp đồng bộ từ phía chính phủ, cộng đồng DN và NLĐ như: duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô; thành lập cơ quan chuyên trách về NSLĐ; cải thiện chính sách tiền lương và chính sách thu hút nguồn nhân lực; xây dựng chiến lược phát triển lao động chất lượng cao; tập trung sản xuất sản những phẩm có giá trị cao, sản phẩm chứa hàm lượng công nghệ lớn; chủ động hội nhập kinh tế QT, hợp tác, nhận chuyển giao khoa học - công nghệ.
Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Dương