Quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương theo hướng kinh tế xanh, bền vững và kinh tế số (21/03/2023)
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số và phát triển theo hướng xanh, bền vững là tất yếu và là giải pháp tiên quyết, quan trọng để các doanh nghiệp (DN) tăng lợi thế cạnh tranh trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, việc quy hoạch, xây dựng và khai thác các khu công nghiệp (KCN) theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số là hạt nhân để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.
Theo số liệu từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, với kinh nghiệm xậy dựng và khai thác các KCN, trên địa bàn tỉnh hiện đã quy hoạch được 33 KCN với tổng diện tích 15.790 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 27 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 10.962 ha. Về dự án đầu tư vào các KCN, trong 9 tháng năm 2022, tỉnh thu hút được nguồn vốn trong nước là hơn 10.133 tỷ đồng, tăng 297,04% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 921,21% kế hoạch năm 2022; nguồn vốn nước ngoài là 2,45 tỷ USD, tăng 63,23% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 204,46% kế hoạch năm 2022. Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN tại Bình Dương đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế.
KCN VSIP- một trong những KCN kiểu mẫu theo mộ hình hợp tác quốc tế
Lợi thế vượt trội của Bình Dương hiện nay so với các địa phương khác là hạ tầng giao thông và hành lang pháp lý. Hạ tầng giao thông tỉnh Bình Dương có tính kết nối vùng như hệ thống đường cao tốc Bàu Bàng-Tân Vạn; Quốc lộ 13 (hay đại lộ Bình Dương) mở rộng và nâng cấp; đường vành đai 1,2,3. Quốc lộ 13 được xem là xương sống kết nối giao thông liên vùng, không chỉ trong tỉnh Bình Dương mà còn phục vụ cho cả nhu cầu thông thương của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên cả nước. Việc triển khai dự án đầu tư cải tạo, mở rộng QL13 tiếp tục tạo ra “bộ khung kỹ thuật” để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên toàn tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị, dịch vụ.
Qua đó, đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN. Bình Dương cũng đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập KCN khoa học-công nghệ do Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – Công ty cổ phần (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và triển khai hoạt động KCN VSIP III (Tân Uyên) và KCN Cây Trường (Bàu Bàng) sẽ cung cấp thêm 1.700 ha đất. Trong giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Những năm qua, khu vực này có vai trò rất lớn, là động lực tăng trưởng kinh tế của Bình Dương.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo AI sẽ giúp các nhà máy tại KCX-KCN của tỉnh nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Chuyển đổi số còn giúp các nhà quản trị đạt hiệu quả trên từng khâu hoạt động, thúc đẩy tiến độ xử lý các công việc nhanh chóng, hợp lý. Để việc chuyển đổi số trong các KCX-KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương có những bước đột phá trong thời gian tới, tỉnh còn nhiều việc phải triển khai. Sự vào cuộc của đội ngũ các chuyên gia, cộng đồng DN và chính quyền như các hoạt động triển lãm, hội thảo chuyên đề,… Qua đó, sẽ giúp các nhà quản lý và DN có những trải nghiệm và cảm nhận thực tế về một số công nghệ mới được ứng dụng trong các KCN thông minh trên thế giới.
Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Dương