Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (20/06/2023)
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang là hai xu thế lớn, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của nhân loại. cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra những sự thay đổi đáng kể trong các ngành công nghiệp truyền thống. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT), máy học, và các hệ thống tự động thông minh đang thúc đẩy tăng trưởng và hiệu suất trong sản xuất, logistics, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cơ hội và thách thức mới cho kinh tế toàn cầu..
Những sự biến đổi đó đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GDĐT).
Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững, Bình Dương đã có những bước đi chiến lược hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục đào tạo (GDĐT). Ngành Giáo dục đã không ngừng đổi mới, chất lượng GDĐT ngày càng được nâng lên đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29), chất lượng GDĐT tỉnh Bình Dương đã thay đổi từng ngày. Đến nay, GDĐT Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, hoạt động giáo dục đã nâng tầm cả chiều rộng lẫn chiều sâu; khẳng định được vị thế và nguồn lực đối với giáo dục cả nước.
Điều đó được thể hiện qua công tác huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt là chất lượng giáo dục, các năm học vừa qua số lượng học sinh giỏi quốc gia tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều giải cao; đã có các học sinh của Bình Dương được Bộ GDĐT chọn vào đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Đối với Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), tỉnh Bình Dương trong nhiều năm liền đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từng bước được nâng lên và gắn với nhu cầu đòi hỏi thực tế của thị trường lao động. Giáo dục đại học ngày càng mở rộng quy mô trường, lớp, ngành nghề đào tạo, khẳng định thương hiệu bằng chất lượng đào tạo và sự tín nhiệm của xã hội, thu hút nhiều sinh viên khắp cả nước đến học tập tại Bình Dương.
Trong đó, ngành GDĐT thực hiện đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, đẩy mạnh giáo dục STEM/STEAM, giáo dục thông minh, đào tạo trực tuyến; đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hình thức học tập, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.
Xây dựng các chương trình học theo hướng tinh giản nội dung; phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Kết quả đạt được triển khai cụ thể cho GDMN, GDPT, GDNN, giáo dục đại học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GDĐT, bảo đảm trung thực, khách quan
Ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn; chương trình, kế hoạch, đề án triển khai đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GDĐT, bảo đảm trung thực, khách quan. Công tác tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế; Coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp.
Thực hiện quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN, giáo dục đại học; Đánh giá kết quả đầu tư, củng cố, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học và GDNN. Qua đó cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 08 trường đại học; 86 cơ sở GDNN và cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN, trong đó có: 07 trường cao đẳng (01 phân hiệu cao đẳng), 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 51 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động GDNN. Có 83 cơ sở GDNN do địa phương quản lý (chiếm 96,5%); các bộ, ngành Trung ương quản lý là 03 cơ sở (chiếm 3,5%); 19 cơ sở GDNN công lập (chiếm 22,1%), 67 cơ sở
GDNN ngoài công lập (chiếm 77,9%).
Nhận thấy, chính sách xã hội hóa GDĐT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội. Do đó, tỉnh đã khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; tăng tỉ lệ trường ngoài công lập đối với GDNN và giáo dục đại học. Đồng thời đổi mới căn bản công tác quản lý GDĐT, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐT; coi trọng quản lý chất lượng. Và triển khai chủ trương “Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở GDĐT”; “giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐT; phát huy vai trò của hội đồng trường”. Công tác giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Mỹ Linh