Thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (26/10/2023)
Bình Dương là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang chịu tác động lớn từ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và quy hoạch đô thị. Hiện nay, nông nghiệp Bình Dương phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và hiệu quả; khuyến khích thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và truy xuất nguồn gốc nông sản. Chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp tiếp tục phát triển; chăn nuôi hộ gia đình chuyển dần từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, góp phần đáng kể vào GDP của tỉnh.
Hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KH&CN
Trong những năm qua, việc hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật luôn được các cấp, các ngành quan tâm và đẩy mạnh triển khai. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hội Nông dân triển khai nhiều hoạt động với nhiều hình thức như: Thông tin thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ; tư vấn chính sách khoa học và công nghệ; hỗ trợ nông dân tiếp cận kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án khoa học và công nghệ; quy trình đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng xuất chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp… điển hình như:
Tuyên truyền thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến với nông dân thông qua nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn về quy trình đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng chuyên đề thông tin KH&CN mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chính sách trong lĩnh vực KH&CN; phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Bình Dương xây dựng các chương trình tuyên truyền về một số mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, hàng năm Sở KH&CN đều phát hành Bản tin KH&CN đến với chi hội nông dân của 91 xã, phường, thị trấn.
Về chính sách KH&CN: Cho vay ưu đãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Dương đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 -2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Về triển khai ứng dụng một số đề tài, dự án như: Đề tài: “Nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương”, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, và phát triển một số sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu”, Đề tài “Nghiên cứu phương thức canh tác phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái cho một số loại cây ăn trái và rau tại các huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương”, đề tài “Giải pháp kiểm soát Salmonella Enteritidis và Salmonella Typhimurium trong chăn nuôi gà thịt tại tỉnh Bình Dương”, đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý, kỹ thuật phát triển hoạt động nuôi chim yến bền vững tại tỉnh Bình Dương” hay đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; dự án Bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Dầu Tiếng” cho sản phẩm cam và bưởi của huyện Dầu Tiếng...
Nhìn chung, nhờ sự tích cực hỗ trợ từ ngành khoa học và công nghệ, nông dân và nông thôn tại Bình Dương đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc tiếp tục đầu tư và ứng dụng KH,CN&ĐMST vào nông nghiệp và nông thôn sẽ là chìa khóa để giữ vững và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp và nông thôn Bình Dương trong tương lai.
Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp
Trong khu vực hợp tác xã nông nghiệp, ngành khoa học và công nghệ cũng đã tập trung hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ (mô hình ứng dụng, các công cụ năng suất và chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo…) nhằm phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các quy trình công nghệ, kỹ thuật thành công có khả năng ứng dụng trong thực tế sản xuất phù hợp với từng địa phương; quy trình quản lý sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm nông sản, hàng hóa có mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; các chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và giá trị của các sản phẩm có chứng nhận trong việc nâng cao giá trị kinh tế, tính bền vững cho các giá trị nông sản; ứng dụng khoa học và công nghệ vào chuỗi khép kín từ sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn không chỉ là góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội mới và đặt nền tảng cho một tương lai bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ và quyết tâm của chính quyền và cộng đồng, chương trình khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tại Bình Dương.
Tăng cường hoạt động sáng tạo từ nông nghiệp, nông thôn
Châm ngôn của Hội Sinh vật cảnh trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh không chỉ nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất mà còn phải khám phá và biến tấu sáng tạo từ những nguyên liệu tự nhiên. Trong suốt năm qua, Hội đã không ngừng làm mới bản thân thông qua việc sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc từ "cây nhà lá vườn".
Nhấn mạnh vào sự đa dạng và độc đáo, Hội Sinh vật cảnh đã góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật trong cộng đồng thông qua việc tham gia các sự kiện văn hóa địa phương. Điển hình là sự tham gia tích cực vào Cuộc thi Hoa sứ chào mừng lễ 30/4 - 1/5, nơi mà các tác phẩm của Hội không chỉ là điểm nhấn mà còn là nguồn cảm hứng tinh thần cho cộng đồng.
Ngoài ra, Hội cũng đã chinh phục thách thức lớn khi tham gia "Đường Hoa xuân - Hội hoa xuân Quý Mão 2023". Với 800 tác phẩm đạt tiêu chuẩn, Hội Sinh vật cảnh đã chứng minh sự sáng tạo và kỹ thuật cao trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động, làm phong phú thêm không khí lễ hội.
Cuộc thi tại địa phương đã chứng kiến sự tinh tế và chọn lọc của Hội khi họ đã đưa vào cuộc thi 250 tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Từ Kiểng cổ, mai vàng, bon sai đến tiểu cảnh, non bộ, hoa lan, hoa sứ, cá cảnh, chim cảnh, hoa quả tạo hình... Mỗi tác phẩm đều là biểu tượng của sự sáng tạo và tâm huyết từ đội ngũ thành viên Hội Sinh vật cảnh.
Nhìn chung, không chỉ là những người nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, Hội Sinh vật cảnh đã chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong việc làm phong phú thêm màu sắc nghệ thuật và văn hóa trong cộng đồng địa phương. Các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Hội không chỉ là hiển thị của sự tài năng, mà còn là cầu nối giao lưu văn hóa, góp phần làm cho cuộc sống trở nên phong cách và đầy màu sắc.
Thy Diễm