Xuất hiện ổ dịch rubella tại Bình Dương (27/01/2015)
Ổ dịch rubella, được ghi nhận tại Công ty Wanek từ ngày 2 đến 23/1. Viện Pasteur TP HCM, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng đã điều tra xác minh ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bệnh nhân, triển khai các biện pháp phòng chống.
Rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức, ở người bình thường thì không nghiêm trọng, thường không để lại biến chứng. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Bệnh có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn, thường gặp vào mùa đông xuân. Tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh, nhóm người có nguy cơ cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên.
Biểu hiện bên ngoài của rubella gần giống sởi: sốt cao, nổi hạch, phát ban (từ mặt xuống đến ngực, tay, chân, khi xuống đến chân là ban ở mặt bắt đầu bay). Bệnh chỉ nguy hiểm với thai phụ vì dễ gây dị tật thai nhi như: tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển…, và có thể tử vong do hậu quả của hội chứng rubella bẩm sinh. Trong số bệnh nhân mắc rubella vẫn có một tỷ lệ nhất định bị biến chứng. Ước tính cứ 10.000 ca mắc thì 1-3 ca biến chứng viêm não.
Từ tháng 9/2014 đến nay Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm văcxin sởi - rubella cho khoảng 23 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi tại 63/63 tỉnh, thành phố. Đến ngày 25/1 cả nước đã tiêm cho khoảng 17 triệu trẻ em. Các địa phương đang triển khai chiến dịch tiêm văcxin đợt 3 và tổ chức tiêm vét bổ sung.
Để phòng bệnh rubella, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nhất là tiêm văcxin đơn giá hoặc phối hợp văcxin sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella đầy đủ và đúng lịch; phụ nữ nên tiêm phòng trước khi có thai ít nhất 3 tháng, khi đã mang thai thì không nên tiêm.
Đầu năm 2011, dịch rubella bùng phát tại nhiều tỉnh thành miền Bắc, hàng trăm ca mắc được ghi nhận, trong đó không ít thai phụ đã được chỉ định phải bỏ thai vì nhiễm bệnh.
Theo Phương Trang