Kỹ thuật tưới nhỏ giọt trên thế giới và Việt Nam (28/12/2015)
Tưới nhỏ giọt trên thế giới
Trên thế giới, kể từ năm 1968 nước Mỹ là một quốc gia nghiên cứu và áp dụng tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Từ đó đến năm 2009, đã có nhiều nước nghiên cứu áp dụng tưới nhỏ giọt như: Israel, Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Hàn Quốc, Anh, Cannada và Ukraine. Từ năm 2000 đến nay, đã có 26 quốc gia trên thế giới áp dụng tưới nhỏ giọt trong lĩnh vực trồng trọt.
Những năm 1968 đến năm 2009, Mỹ là thị trường được quan tâm nhiều nhất về hệ thống tưới nhỏ giọt. Từ năm 2000 đến nay, thi trường Trung Quốc có sự phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu và ứng dụng tưới nhỏ giọt. Một trong những quốc gia thành công nhất trong nghiên cứu và ứng dụng tưới nhỏ giọt đó là Israel. Công nghệ tưới tiết kiệm nước Israel hiện không chỉ tập trung tại những khu vực ít nguồn nước tự nhiên của các nước phát triển mà đang được mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Tại Nam Mỹ và Châu Âu, tưới nhỏ giọt đã trở nên phổ biến. Đầu tháng 8/2009, tập đoàn Netafim (Israel) đã nhận hợp đồng cung cấp hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt trị giá 22 triệu USD cho dự án trồng mía được quy mô lớn tại Peru.
Tại Châu Á, việc áp dụng hệ thống này đang trong giai đoạn phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp nước này đã khai mạc chương tình tập huấn tưới nhỏ giọt với mục đích hướng dẫn nông dân bang Gurdaspur áp dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm sau khi phương pháp này đã đem lại thành công tại nhiều khu vực khác. Hiện Ấn độ đang phải đối diện với thực trạng nguồn nước ngầm suy giảm ngày càng nghiêm trọng.
Tại Iraq, hệ thống tưới nhỏ giọt “made in Israel” là điều duy nhất nhận được cảm tình của người dân nước này. Ước tính hiện có gần 300 ha chà là tại khu vực khô cằn Kutch đang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Một số quốc gia Trung Á cũng đang chuyển đổi hệ thống thủy lợi lưới dưới thời Liên Xô được thiết kế cho các nông trang lớn sang biện pháp tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm nước phù hợp với mô hình nông trang nhỏ hơn.
Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia nông nghiệp đã đánh giá tưới nhỏ giọt hoặc phun sương là giải pháp khải thi tốt nhất trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, điểm yếu của hệ thống này là giá thành tương đối đắc cũng như việc bảo dưỡng thông tắc đường ống và thiết bị nhỏ giọt phức tạp.
Tuần lễ nước toàn cầu năm 2013 với sự tham gia của hơn 2.000 chuyên gia từ 133 quốc gia diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển) khẳng định tiết kiệm nước đang trở thành yêu cầu mang tính sống còn đối với nhiều khu vực trên thế giới khi đối mặt với khủng hoảng thiếu nước ngày càng tăng và nước sạch trở thành thứ “xa xỉ” đối với gần 1 tỷ người.
Báo cáo công bố gần đây của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAQ) và Viện quản lý nước quốc tế (IWMI) cũng khẳng định nhiều quốc gia tại châu Á sẽ phải nhập khẩu lương thực từ nhiều châu lục khác nếu họ không thay đổi cách thức tưới tiêu. Biện pháp khả thi nhất hiện nay là cải tạo tất cả các hệ thống thủy lợi lạc hậu ở châu Á nơi mà phần lớn nông dân canh tác sử dụng một lượng nước lớn nhưng không hiệu quả khiến các nguồn nước ngầm nhanh chóng cạn kiệt.
Một số cột mốc đáng chú ý đánh dấu sự phát triển của kỹ thuật tưới nhỏ giọt:
+ Năm 1960: Sử dụng ống cao su đục lỗ cho việc tưới ngầm dưới mặt đất.
+ năm 1965: lần đầu tiên ống tưới nhỏ giọt theo hàng, bằng nhựa được sản xuất bởi công ty Netafim được sử dụng trên đồng ruộng thuộc vùng Nam Negev. Lúc này, nảy sinh trở ngại của việc tắc lỗ do phân bón, dẫn đến việc cải tiến kỹ thuật để cho ra đời kỹ thuật “dòng chảy khấy động” vào năm 1974.
+ Năm 1976: Kỹ thuật nhỏ giọt có điều chỉnh áp suất được cho ra đời, cho phép dòng chảy ổn định, thay vì dao động ở mức 3,5 atmosphere. Kỹ thuật này cho phép dòng chảy được điều chỉnh ổn định và tự làm sạch.
+ Năm 1980: lần đầu tiên kỹ thuật tưới nhỏ giọt được áp dụng trên diện tích rộng, trên các cánh đồng bắp và bông, đã làm tăng năng suất cây trồng lên 25 – 35%.
+ Năm 1983: Kỹ thuật đính kèm lỗ tưới nhỏ giọt vào ống mềm đã ra đời, cho phép cuộn ống và rải ống một cách dễ dàng (có sự điều chỉnh áp suất tưới theo mùa).
+ Năm 1990: Kỹ thuật lỗ tưới nhỏ giọt gắn kèm trong nhà lưới được ra đời.
+ Năm 2000: Một dòng sản phẩm mới của loại lỗ tưới tích hợp ra đời, đặc biệt thích hợp cho việc tưới ngần.
Kỹ thuật tưới tiêu tại Việt Nam
+ Tưới phun: Đây là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt đất lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với một góc 3600, được đặt cao khỏ mặt đất 0,5 – 1,0m, thường áp dụng cho cây con trong vườn ươm dưới dạng phun sương hay phun mù.
+ Tưới ngầm: Là phương pháp tưới nước cho cây qua hệ thống thiết bị máy bơm kèm theo hệ thống ống dẫn đặc nằm dưới lòng đất hoặc có sự chênh lệch mực nước của nguồn cung cấp nước.
+ Tưới rãnh: Là phương pháp tưới nước để nước chảy theo các rãnh được thiết kế giữa các hàng cây. Nước được thấm dần vào đất và cung cấp cho cây trồng. Cách tưới nước này tiết kiệm và chủ động được nước tưới cho vườn cây, lớp đất vẫn tơi xốp, không bị gí chặt, kết cấu đất vẫn giữ vững, đất không bị bào mòn, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi.
+ Tưới ngập: Tưới ngập là phương pháp cho nước vào vườn cây một lớp nước nhất định, trong một thời gian xác định để cung cấp nước cho cây.
+ Tưới nhỏ giọt: Đây là phương pháp tưới hiện đại, thường được áp dụng đối với những vườn cây ăn trái đặc sản có hiệu quả kinh tế cao ở những vùng thiếu nước tưới. Cách tưới này tiết kiệm lượng nước tối đa. Đất không bị gí chặt, giữ nguyên hiện trạng kết cấu đất, đất không bị bào mòn, phân bón không bị rửa trôi. Nhưng đây là phương pháp yêu cầu đầu tư lớn nên còn tùy thuộc vào nguồn tài chính mới có khả năng dụng trong sản xuất đại trà.
Thu Hà
(CESTI, Báo cáo PTXHCN 2015)