Rác thải sinh hoạt - Phân loại và xử lý thế nào? (29/09/2016)
Nhận biết: Dựa theo tính chất, chúng ta có thể phân loại rác thải thải thành 2 loại là rác hữu cơ dễ phân hủy và rác thải khó phân hủy như sau:
- Rác hữu cơ dễ phân hủy là các loại rác thải có khả năng tự phân hủy trong môi trường tự nhiên sau một thời gian ngắn, như: lá cây, rau quả, vỏ trái cây, xác động vật, phân động vật,...
- Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, các tông, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng,...), các loại nhựa.... Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ.
Phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt:
1. Mô hình phân loại rác tại nguồn: Mô hình này tuy không mới nhưng để phát triển thành công thì những người tham gia triển khai mô hình này phải có cách làm sáng tạo và quan trọng hơn là phải làm cho những người tham gia thay đổi ý thức và có những hành vi thân thiện với môi trường.
2. Thu gom rác hữu cơ dễ phân hủy: Tiến hành thu gom riêng những vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân compost, dùng trong nông nghiệp (tại gia đình hoặc đưa đến nhà máy xử lý chế biến tập trung thành phân compost).
3. Thu gom rác khó phân hủy: gồm 02 loại
+ Thu gom rác tái chế: Rác tái chế được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế.
+ Thu gom rác không tái chế: Các thành phần rác không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và đưa đến điểm tập kết để xe chuyên dụng đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.
4. Chôn lấp hợp vệ sinh: Rác thải được rải thành từng lớp, đầm nén để giảm thể tích và phủ đất lên (phun hóa chất để tăng hiệu quả xử lý và hạn chế côn trùng).
5. Thiêu đốt: Quá trình dùng nhiệt độ cao (1.000 - 1.1000C) để phân hủy rác giúp làm giảm đáng kể thể tích chất thải phải chôn lấp (xỉ, tro). Tuy nhiên, chi phí đầu tư, vận hành nhà máy đốt rác khá cao, phù hợp với các nước tiên tiến, phát triển
6. Xây dựng các mô hình quản lý rác thải quy mô hộ gia đình: Mỗi gia đình tiến hành phân loại rác hữu cơ dễ phân hủy và ủ thành phân compost ngay trong sân vườn.
7. Thành lập các tổ thu gom rác thải; tổ tự quản vệ sinh môi trường để thu gom rác về các điểm tập kết để xe chuyên dụng của các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung nhằm hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của các bệnh truyền nhiễm…
8. Tại địa phương, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục đối với các hộ gia đình tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom phải thực hiện xử lý chất thải rắn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch… và các nguồn nước mặt.
Quang Vinh (tổng hợp internet)