Cục trưởng Y tế Dự phòng: 'Dịch Ebola tăng kinh khủng' (07/08/2014)
Phát biểu tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 6/8, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết; từ đầu năm đến nay, 4 nước Tây Phi đã ghi nhận hơn 1.600 ca bệnh do virus này, gần 890 người tử vong.
Trong vòng hai ngày (31/7 và 1/8); 4 nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone báo cáo thêm 163 trường hợp mắc mới, 61 tử vong. Guinea có 13 ca mắc mới nhưng đến 12 người tử vong, con số này tại Liberia 77 và 28 tử vong.
Nhiều quốc gia đã nâng cảnh báo với dịch. Senegal đóng cửa khẩu đất liền với Guinea. Nigeria ngưng chuyến bay qua các nước có dịch bệnh và tăng cường kiểm dịch tại sân bay. Nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Guiniea, Leberia và Sierra Leone đã hạn chế nhân viên của họ đến đây. Tổ chức Hòa bình Mỹ cũng rút 340 nhân viên tình nguyện từ 3 quốc gia đang có dịch về nước.
"Dịch Ebola tại Tây Phi đang tăng kinh khủng trong những ngày gần đây. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đánh giá nguy cơ lây theo đường du lịch là cực thấp nhưng thời điểm này đã chuyển sang cảnh báo 'không loại trừ lây sang đường hàng không'", ông Phu cho hay.
Theo tiến sĩ Phu, dịch có thể lây lan đến Việt Nam qua 4 nhóm sau: Công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; Công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; Người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola; Người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola.
|
Tỷ lệ tử vong do virus Ebola có thể lên đến 90%. Ảnh: F.N.
|
Ông Phu nhận định 5 lý do khiến dịch tăng nhanh trong thời gian ngắn. Thứ nhất, đặc tính của virus Ebola lây nhanh và mạnh. Thứ hai, người dân châu Phi có tập quán chăm sóc người bệnh tại nhà, không đưa đến cơ sở y tế, thậm chí là trốn tránh. Thứ ba, tập quán mai táng, chôn người chết khiến nguy cơ người lành tiếp xúc với dịch tiết dính trên quần áo. Thứ tư, dù người bệnh được đưa đến bệnh viện nhưng điều kiện kinh tế ở những nước này cực kỳ khó khăn, không cách ly một cách triệt để, bệnh lây cho cả cán bộ y tế. Thứ năm, trước đây dịch chỉ trong phạm vi địa phương, nay diễn ra tại những khu vực có dân di biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ, đồng thời, triển khai việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó, phòng chống dịch bệnh. Kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola tại Việt Nam cũng đang được trình lãnh đạo Bộ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang xây dựng phác đồ hướng dẫn chẩn đoán điều trị Ebola.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị tập trung giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện, phát hiện sớm ca bệnh do virus Ebola nếu có. Người đi du lịch được khuyến cáo hạn chế đến các quốc gia đang có dịch.
Tổng giám đốc WHO Margaret Chan từng nhấn mạnh, đây là đợt bùng phát dịch chưa từng có, rất khó kiểm soát. Dịch diễn ra tại những khu vực có dân di biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không. Điều này trái ngược với những gì diễn ra trong các vụ dịch trước đây. Nếu tình hình tiếp tục trở nên xấu hơn, nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn.
Ebola không phải là virus tồn tại trong không khí mà lây truyền sang người khi tiếp xúc gần với dịch thể của người nhiễm hay chết do nhiễm virus. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu.
Để phòng bệnh, người dân cần lưu ý vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
|
Theo Nam Phương